• Trang Chủ
  • Tin tức
  • Ngành chế biến gỗ Việt Nam hướng đến sản xuất có bản quyền

Ngành chế biến gỗ Việt Nam hướng đến sản xuất có bản quyền

Thứ Tư, 21/10/2020, 04:15, (GMT+7)

Mục tiêu trong 10 năm tới của ngành chế biến gỗ là 80% doanh thu phải đến từ hoạt động sản xuất có bản quyền (ODM).

“Hiện nay, khoảng 80% doanh thu ngành chế biến gỗ Việt Nam đến từ hoạt động gia công (OEM). Mục tiêu trong 10 năm tới của ngành chế biến gỗ là 80% doanh thu phải đến từ hoạt động sản xuất có bản quyền (ODM)”. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu tổ chức tại TP.HCM ngày 8/8 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo ý kiến của ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) thì Việt Nam đang đứng trước cơ hội ít có: Các cường quốc sản xuất đồ gỗ như Trung Quốc đang trên đà suy giảm do chi phí nhân công tăng và nhà nước bắt đầu đánh thuế xuất khẩu. Mặt khác Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ làm cho đồ nội thất của nước này giảm sức cạnh tranh, tỷ lệ xuất khẩu trong 2 năm qua đã giảm. Các nước Đức, Ý do kinh tế châu Âu suy thoái nên phải giảm sản xuất vì chi phí đầu vào tăng, sức cạnh tranh đi xuống… Malaysia mặc dù có chiến lược rõ ràng nhưng bị hạn chế về sự thiếu hụt lao động.

“Nhu cầu thị trường đồ nội thất trên thế giới tăng không ngừng. Sản xuất đồ nội thất là thế mạnh của Việt Nam, là nghề truyền thống, là động lực phát triển nông thôn thông qua kinh tế lâm nghiệp. Chúng ta nên nắm bắt cơ hội này để phát triển ngành. Nếu bỏ lỡ, các nước láng giềng như Indonesia và Malaysia có thể sẽ vượt qua Việt Nam để giành lấy thị trường và ngôi quán quân trong ASEAN”, ông Huỳnh Văn Hạnh phân tích.

“Sưu tầm- Trích nguồn Gỗ Việt”